Anh Đạt "kích" - người bạn thân thương của các bác tài ở Sài Gòn

(CAO) Từ việc kích bình xe miễn phí mà anh Đạt có thêm nhiều người bạn mới. Hầu hết đó là tài xế đã được anh giúp đỡ, mọi người trò chuyện quyết định sẽ thành lập nhóm “Trùm kích”, còn được gọi bằng cái tên thân thương là nhóm “Hỗ trợ về nhà”.

Gặp gỡ anh Cảnh sát giao thông có biệt danh “Đạt kích”.

Những tia nắng đầu tiên chan hoà trên đường phố, cũng là lúc chúng tôi có mặt tại Đội Cảnh sát giao thông Bàn Cờ thuộc Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TP.HCM (trụ sở tại quận 3) để tìm gặp một chiến sĩ Cảnh sát giao thông rất thú vị. Đó chính là Đại uý Đỗ Tấn Đạt, anh còn được gọi bằng cái tên thân mật “Đạt kích”.

Giờ cao điểm, những con đường tại TP.HCM lúc nào cũng đông nghẹt người. Anh Đạt cùng đồng đội của mình lại ra quân, thực hiện nhiệm vụ điều tiết giao thông, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm.

Trên đường đi tuần, hướng về hồ Con Rùa anh Đạt phát hiện ra một chiếc ô tô đang chết máy trên đường, người tài xế cuống quít, mếu máo tìm cách xử lý chiếc xe “trở chứng” vào lề. Anh vội dừng xe, cùng những người dân gần đó giúp sức đẩy chiếc xe vào lề đường.

Đại úy CSGT Đỗ Tấn Đạt còn được gọi bằng cái tên thân mật “Đạt kích”.

Hỏi ra mới biết, anh tài đãng trí không tắt máy lạnh, chiếc xe vừa nổ máy chạy được một chút thì “đình công” luôn giữa đường. Lúc này, anh Đạt vội bước về chiếc "bồ câu", lấy trong thùng xe ra một bộ kích bình để kích, sau vài thao tác bình ắc quy được nạp lại điện động cơ.

Chiếc xe nổ máy, người tài xế cảm động bắt tay anh cảnh sát giao thông tốt bụng. Anh Đạt cười xoà nói “Đây là số điện thoại tui, lần sau xe có chết máy thì điện thoại tui sẽ hỗ trợ, cứ gọi tôi là Đạt kích”.

Hai năm trước, anh có mua một bộ dụng cụ kích bình ắc-quy để dùng cho ô tô của mình “Mang về dùng thấy êm, nên thỉnh thoảng mình có mang theo, lần đó thấy một chiếc xe bị chết máy giữa đường nên lôi đồ ra kích giúp anh tài xế đó”.

Kể từ đó, đi đâu anh cũng mang “bảo bối” theo bên mình, hễ có chiếc xe nào cạn ắc-quy, trong khả năng thì anh đều đến hỗ trợ và tất nhiên là hoàn toàn miễn phí. Anh cũng đăng số điện thoại của mình trên mạng xã hội kèm câu “Kích bình miễn phí, gọi đến số điện thoại “0938260383”

Thông tin về các nhóm hỗ trợ tài xế được Đại uý Đỗ Tấn Đạt chia sẻ

Cũng nhờ việc đi kích bình cho cánh tài xế mà anh có thêm nhiều trải nghiệm mới, cũng có không ít chuyện dở khóc dở cười. Anh cười to, kể lại một lần vừa kết thúc giờ công vụ, anh nhận được một cuộc điện thoại cầu cứu vì xe hết bình, sẵn ở gần đó anh chạy đến ngay, bác tài xế thấy anh cảnh sát mặc quân phục thì bối rối phân trần, mong anh thông cảm vì bác đỗ xe không đúng quy định.

Lúc này anh Đạt mới lôi bộ dụng cụ kích bình trong chiếc xe đặc chủng ra cười xoà bảo “Bác vừa gọi con đến kích bình mà”. Bác tài xế tuổi ngũ tuần ngẩn ngơ, rồi nở nụ cười hồn hậu. Anh Đạt kể thêm, nhiều tài xế lúc đầu gặp cảnh sát giao thông thì bước ngay vào xe để soạn sẵn giấy tờ, chưa kịp đưa kiểm tra thì anh cảnh sát đã mở nắp capo kích bình ắc-quy trước sự ngạc nhiên của cánh tài xế.

Sự ra đời của nhóm “Trùm kích”

Từ việc kích bình xe miễn phí mà anh Đạt có thêm nhiều người bạn mới. Hầu hết đó là tài xế đã được anh giúp đỡ, mọi người trò chuyện quyết định sẽ thành lập nhóm “Trùm kích” hay còn có được gọi là nhóm “Hỗ trợ về nhà”. Được thành lập khoảng hơn 1 năm nay, địa bàn hoạt động trải dài khắp các tỉnh thành miền Nam với số lượng gần 200 thành viên. Nhóm “Hỗ trợ về nhà” hoạt động chủ yếu trên facebook, zalo.

Anh Đạt hỗ trợ tài xế trong quá trình làm nhiệm vụ trên đường 

Anh Minh, một thành viên trong nhóm chia sẻ “Ngoài trùm kích bình thì trong nhóm còn có Trùm vá xe, Trùm hỏng hóc… Mọi người đăng tải, tổng hợp số điện thoại trên mạng xã hội, ai có sự cố thì chỉ việc nhắn tin lên nhóm, ai ở gần đó thì chạy đến hỗ trợ. Với số lượng đông đảo và những thành viên hoạt động ở khắp các nơi, có nhiều tài xế bị chết bình giữa khuya hay những nơi vắng vẻ đã được giúp đỡ và trở về nhà an toàn.

Lòng tốt không phân biệt công việc và địa vị xã hội, lòng tốt giúp kéo mọi người lại gần với nhau hơn và lan toả đến cộng đồng. Tinh thần trượng nghĩa, cùng việc làm tử tế của đồng chí Đỗ Tấn Đạt đã kéo nhiều tài xế và những người cảnh sát giao thông lại với nhau hơn.

Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ cho biết Việc đồng chí Đạt đi kích bình, hỗ trợ người dân khi có sự cố trên đường là hành động tự phát nhưng Ban chỉ huy hơn vị rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để đồng chí Đạt có thể giúp đỡ người dân”.

Chỉ cần nhận được điện thoại cầu cứu, Đại uý Đạt đều sẵn sàng tìm đến trợ giúp

Cảnh sát là người khoác lên mình bộ áo của nghĩa vụ và trách nhiệm, để bảo vệ quần chúng nhân dân và bảo đảm an ninh trật tự. Nhưng phía sau bộ áo đó vẫn là những con người hết sức bình thường.

Có không ít những quan điểm tiêu cực, tuy nhiên cũng không khó để tìm thấy hình ảnh đẹp về người chiến sĩ trên mặt báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Những người chiến sĩ như anh Đỗ Tấn Đạt, như một bông hoa thơm trong rừng hoa của việc tử tế, nơi những người chiến sĩ và mọi người đều như nhau, đều yêu thương và tôn trọng nhau bởi tấm lòng trượng nghĩa

< Trở lại

Bài viết liên quan